Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Chuyện hàng xóm láng giềng

Trên trái đất này chắc chỉ có ai sống trên ốc đảo hoặc sống giữa xa mạc mênh mông cát bụi thì mới không có hàng xóm láng giềng. Hàng xóm láng giềng là những người sống cạnh nhau, sớm tối tắt lửa tối đèn có nhau. Các cụ xưa dạy dù sinh sống ở đâu nhưng phải thực hiện tốt phương châm là “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Thật đúng với thực tế cuộc sống đôi khi trong những tình huống cần thiết, cụ thể chỉ có hàng xóm, láng giềng mới có thể giúp được nhau “Hàng xóm, láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau”. Đó là một nét đẹp văn hoá, truyền thống tốt đẹp của người Việt có tính nhân văn sâu sắc.

Ngày xưa ở quê điều kiện kinh tế khó khăn, hầu như chẳng có nhà nào có cổng, cũng chẳng có tường rào dây thép gai, có chăng chỉ là những dậu cây thuốc dấu (mùng tơi), những hàng cây tài bi để phân chia ranh giới giữa hai nhà. Còn cửa nhà thì có nhưng cũng rất đơn sơ. Đêm hè trời nóng không có điện thường tắm dưới trăng, cả nhà tập trung ngủ ngoài sân cho mát, nhiềm hôm đêm đi ngủ cũng không cần đóng cửa nhưng chẳng mấy khi mất trộm. Có lẽ do đồ dùng của mỗi nhà ít và giá trị cũng không nhiều. Chuyện gửi, nhờ nhau trong hộ nhà khi vắng nhà chuyện thường ngày. (Đó là ở nông thôn miền xuôi còn miền ngược thì khác đôi chút)

Nhưng theo dòng chảy của thời gian chuyện hàng xóm, láng giềng theo sự phát triển của xã hội đã ít nhiều có sự thay đổi nhất là ở thành phố và ở các trung tâm đô thị tập trung đông người nhà nhà thường “kín cổng cao tường”, “đèn nhà ai thì nhà ấy rạng”, ít có sự giao lưu, gần gũi hơn tránh phức tạp, phiền hà, “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Có khi hai nhà sát cạnh nhau nhưng lại hoàn toàn không biết nhau, không biết họ làm nghề gì? Quê quán ở đâu? Chính vì thế chuyện hàng xóm, láng giềng cũng có rất nhiều chuyện đáng phải bàn.

Ở khu nhà tập thể NT - CG - Hà Nội có hai nhà từ hai nơi khác nhau đến ở sát cạnh nhau, một nhà thường hay vắng nhà hàng xóm bên cạnh cũng chẳng biết họ đi đâu, làm gì. Vào một hôm đẹp trời có một nhóm trộm cắp chuyên nghiệp đóng vai như những người thợ xây dựng mang rất nhiều dụng cụ đến ngang nhiên phá cửa đột nhập nhà gia chủ vắng nhà. Kết quả là nhóm đạo chích khoắng sạch đồ đạc trong nhà của gia chủ, nhà hàng xóm cứ nghĩ là nhà bên cạnh thuê thợ đến sửa nhà vì nhìn dáng vẻ cách làm việc của nhóm đạo chính thể hiện rất tự nhiên như người nhà vậy nên chẳng ai nghi ngờ gì? Đến khi gia chủ về nhà thấy nhà của toang hoang, đồ đạc trong nhà bị mất khi hỏi nhà bên thì không biết đó là bọn trộm cắp cứ ngỡ đó là những người được gia chủ thuê đến để sửa nhà. Chúng đã lợi dụng sự thiếu gắn bó của hàng xóm với nhau để ra tay hành động. Qua đó mới thấy hai nhà là hàng xóm của nhau không thực hiện tốt phương châm là “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Còn ở thị trấn Y huyện nhà có hai nhà hàng xóm canh nhau giữa nhà chàng và nhà nàng chỉ cách nhau “cách nhau cái dậu mùng tơi” được xây bằng gạch, chuyện nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Theo thời gian công chúa ngày xưa và chàng hoàng tử tí hon thủa nào cùng lớn lên, trưởng thành. Song song với sự trưởng thành đó là tình yêu giữa chàng và nàng dần nảy nở và đơm hoa, kết trái. Kết quả cuối cùng hai nhà hàng xóm trở thành “thông gia” của nhau. Cái dậu mùng tơi xưa là tường ngăn được bổ sung thêm chiếc cổng để việc đi lại giữa hai nhà được thuận tiện hơn. Bài học được rút ra ở đây là “nhất cự ly nhì cường độ” vì ngoài chàng ra làm gì còn ai có được ưu thế về cự ly hơn chàng nữa nào?
Còn nhiều nhiều chuyện nữa…

Trên blog của chúng ta cũng có những người hàng xóm sát nhau thân thiết trong một thế giới ảo đầy ắp nhiều sự mới lạ, vừa là hàng xóm nhưng lại là anh em cùng con một nhà. Khi chúng ta ghé thăm cũng là chúng ta ủng hộ cho sự lớn mạnh của nó. Đồng thời cần góp thêm một tiếng nói cụ thể bằng những bài viết, những lời nhận xét chân tình, dí dỏm, vui vẻ làm phong phú thêm cung cấp thêm cho blog những nguồn năng lượng mới đó cũng chính là tinh thần chung của mỗi chúng ta trong ngôi nhà chung 12A Chiêm Hóa  94-97./. 

Hi vọng mỗi thành viên nên nghĩ về chuyện "hàng xóm láng giềng" khi nhìn về blog này.

THH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét