Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Mông Ta - Mông Tây


Tạ Hưng Hà

Email: hathhy@gmail.com
Từ: Hưng Yên
Chớ mừng vội! Ở đây không có chỗ cho việc khoe hàng, dù là khoe "mông".

Bài viết này chỉ là ghi nhận của 1 cá nhân sau chuyến đi du lịch Sapa ngắn ngủi, lẫn lộn vừa ấm ức vừa khoái chí. Hy vọng sẽ chia sẻ 1 chút kinh nghiệm với bạn bè lớp mình vì chắc chắn sẽ còn nhiều bạn chưa đi, muốn đi và sẽ đi. Đúc rút và chia sẻ nó là có lẽ là một việc đáng làm, nó giảm bớt đi những cảm giác khó chịu, tiếc nuối, làm chuyến đi thêm ý nghĩa, vui vẻ...phải không các bạn?

Đi

Quãng đường khoảng 380km tới Lào cai với gần 1/4 là đồi núi nên phương tiện đi lại thuận tiện là tàu lửa. Tàu nhanh SP1/SP3 từ HN (ngược lại là SP2/SP4), chạy 8.5 giờ tới Lào cai. Thường khởi hành từ HN lúc 9-10g tối, cỡ 5g30 - 6g30 sáng tới Lào cai. Tàu chợ LC thì không rõ lắm nhưng tuyệt nhiên không nên đi, trừ khi muốn hành xác cùng mùi phân gà vịt rau củ quả thối...

Giá vé tàu SP khoang 4 giường mềm máy lạnh khoảng 450k-530k/chiều. Đó là giá niêm yết. Chứ các bác đại lý du lịch thừa kiến thức nhưng thiếu văn hóa sẽ tìm cách đánh quả (cả ta lẫn tây) bằng cách nâng giá vô tội vạ nếu biết chắc là nhu cầu đang cao. (em mua mất 700k, đứt mất tí ruột thừa).

Tuyệt nhất nếu đi 1 đám bạn đủ để bao một khoang 4 người, vừa đủ hội chắn phỏm gì đó kèm thêm chút mồi nhậu, rượu đế tán phét và chém gió thì chẳng thấy đường xa chút nào...Một điều hơi khác các tuyến tàu hỏa khác đó là các cty du lịch lớn sẽ bao trọn 1 vài toa tàu rồi bán lại cho các đại lý cấp 2-3...gây ra tình trạng bát nháo hoang mang cho du khách như một nét văn hóa đặc trưng của Bộ ba Văn-Thể-Du (Sự khác biệt Á đông chăng?). (Sẽ có chút khó chịu khoảng 2 tiếng sau khi rời LC về vì tàu cua loạn xạ, hay tại bác tài hôm đó xỉn nhỉ?)

Tới Lào cai, sẽ có sẵn hàng loạt xe bus, đủ loại từ 16 chỗ chở lên, vé 50k, đi khoảng 1g qua 38km lòng vòng quanh lưng chừng núi sẽ thấy Sapa thấp thoáng hiện ra sau làn sương.



Sapa có vài trăm nhà nghỉ, khách sạn từ 0 sao cho tới ngàn sao (homestay). Phong phú y như các thể loại du khách tới thăm Sapa vậy. Giá cũng từ vài chục ngàn vnd cho tới vài triệu/đêm. Hình như đắt nhất là Bamboo, Victoria...khoảng 200-300Usd/suite room. Tập trung tại 3 khu vực chính là đường Xuân Viên, Cầu Mây và đường đi Cát cát. Cả ba con đường này đều có 1 đầu ghếch lên nhà thờ cổ nên khá dễ tìm. Nhưng mình khoái nhất là ở các KS trên đường Cầu Mây. Hình như khu này chủ yếu dành cho khách Tây nên từ cách decor, lighting, service...đều mang một hơi hướng "bán chuyên" khá tốt. Các em lễ tân khu này khá niềm nở chứ mặt không nhiều thịt mông như khu Xuân Viên, Cát cát...

Khách sạn số 10 Cầu Mây (của cty Cường Hương) vừa khai trương được mấy tuần là lựa chọn tốt vì mới nên phòng còn nguyên mùi gỗ thông, giá khoảng 25-35 Obama (hôm mình tới họ bảo tên là Wild Lotus or White Lotus, nghe chẳng rõ). Như đã nói, khu này Tây ở nhiều nên phòng sạch hơn, ăn uống đủ loại, giá cũng vừa phải, niêm yết đàng hoàng chứ không bị cảm giác vừa ăn vừa nơm nớm sợ chém như chỗ khác.

Nhắm

Lên Sapa dứt khoát tối thiểu ngày 2 bữa rượu, ít nhiều không biết nên chắc chắn không phải là ăn mà phải nhắm. Có quá nhiều thứ để nhậu. Gà bản chỉ cỡ nhõn cân 1 con. Thịt dai nhưng không bã. Ăn ít như mình cũng hết gần con rưỡi . Lợn "cắp nách" chừng mười mấy cân hơi đổ lại. Vừa có lớp mỡ mỏng đủ để thịt không khô, ướp gia vị xiên que nướng thơm điên đảo. Chim rừng, gà đen, lòng nướng...đều là những thứ phân hủy rượu tệ hại. Rượu cũng vô vàn vì trên này nhiều hoa trái, cây thuốc nên rượu ngâm uống rất ngọt giọng: sán lùng, táo mèo, dạ dày nhím...Rau sapa ngon có tiếng, toàn rau sạch nên yêm tâm mà chén. Ra các quán vỉa hè ăn rất tiện nhưng cần cẩn thận lựa đồ vì rất nhiều món xáo qua xào lại rất mất vệ sinh.

Sẽ rất tội lỗi nếu không nhắc tới 2 loại cá độc quyền đất Sapa đó là cá hồi và cá tầm. Thứ này nuôi ngay dưới chân thác Bạc nhờ khí hậu ôn đới và dòng chảy mạnh nên thịt rất thơm và giòn. 2 món này Hà nội chẳng thiếu nhưng nó mất hẳn đi những tinh túy của chúng nếu mang khỏi đất Sapa.

Cá hồi bổ cả âm lẫn dương. Người Nhật ăn nhiều cá hồi sống nên ai cũng trẻ lâu, phong độ. Nhưng người Nhật chắc cũng mơ về Sapa để được nhìn thấy chú cá hồi vừa bơi trong bể được đặt lên bàn ăn chỉ sau 10 phút thao tác điệu nghệ. Cá tầm thì đặc biệt tốt cho cánh mày râu vì khối lượng sụn khổng lồ chứa đầy vi chất kẽm. Một loại vi chất tự nhiên giúp đàn ông tự tin hiếm có từ già tới trẻ.

Nghe nói hai món cá này cùng ngọt susu luộc là biệt dược cho các đôi tổ chức tuần trăng mật tại Sapa!

Ngắm

Mùa đi chơi lý tưởng nghe nói vào 2 dịp, tháng 9-11 khi lúa vào vụ gặt tới, biến những khoang ruộng bậc thang thành những bức tranh thêu đầy cảm hứng. Còn tháng 1-3 là mùa của các loài hoa khoe sắc.

Dịp này chỉ lên núi Hàm rồng mới thấy hoa, nhưng kém duyên lắm, chỉ đủ cho mấy cháu vừa thi ĐH xong thích thú.

Du khách thường được khuyên leo núi Hàm rồng (có một số giai thoại về núi này) y như khách vào Sài gòn thì muốn đi Suối tiên vậy. Nhưng có lẽ sự đầu tư nửa vời khiến một ngọn núi cao chừng vài trăm mét trông như một cô gái quê ra tỉnh. Ấy chết, ý em là nếu cô ấy cứ giữ nét nguyên quê thì mới cao thủ. Chứ quệt tí son rồi đeo guốc vào, trông mất hết hứng.

Tương tự như vậy là làng Cát cát. Thương mại hóa quá nên mất hết nét dân tộc. Nếu vào bản thì nên theo các tua của tụi Tây, chịu khó đi bộ vào sâu vào các bản Tả van, Lao chải...để thăm và ăn ở với các tộc người thiểu số (Dao đỏ, Mông đen, Dáy, Thái trắng...) mới thấy hết cái đẹp của vùng cao này.

Trên đường về phía tây bắc Sapa khoảng 6km có bãi đá cổ. Nên men theo các chân ruộng bậc thang xuống tận suối, lội ra ngoài để thấy nước luồn lách giữa các tảng đá lớn trông rất ngộ.

Thác Bạc giờ cũng mất gần hết nét đẹp tự nhiên vốn có. Nước ít, lâu lâu lại xả ra màu đùng đục trông rất kinh, y như nước đái bò. May mắn hôm em tới thì nước trong vắt. Từ cây cầu vắt ngang thác, nên cố trèo cao thêm khoảng 20-30 mét nữa sẽ được hưởng chút nước đầu nguồn trong vắt mát lạnh tê tái hiếm có.

Ít nhất 4-5km đi bộ xuyên bản là lời khuyên chân tình nhất cho các bạn muốn tiêu hóa hết các món khoái khẩu ở trên cùng với việc tích lũy rất nhiều bài học về cuộc sống và văn hóa vùng cao. Còn gì bằng nữa nhỉ!

Mua

Thoạt nhìn thấy có vẻ nhiều thứ để mua ở Sapa. Hàng thổ cẩm, lưu niệm, cây thuốc...Nhưng nếu tìm hiểu kỹ mới thấy hàng Tàu nhiều, lẫn lộn lung tung làm mất hết hứng tiêu tiền (may quá)

Giá thì chắc chắn không rẻ dù là hàng địa phương. Có vẻ như họ nghiễm nhiên mặc định đã là du khách thì phải giàu. Cũng chẳng sai nhưng chắc chắn với ý định chặt chém che giấu vụng về dưới mấy chiếc áo khoác dân tộc chắc chỉ lừa được mấy anh dẫn bạn gái (sắp yêu) lên chơi.

Ngẫm

Bẩn. Đó là ấn tượng đầu tiên tới Sapa. Rác ngập ngụa khắp nơi. Mùi rác và thức ăn đang phân hủy dở dang suốt dọc ngang khu trung tâm như một cô gái đẹp bị hôi nách gia truyền.
Ăn xin, chéo kéo... là cảm giác khó chịu thứ 2. Chẳng tha một ai.
Chửi bậy. Chắc đây là mấy món đặc sản mà mấy bác dưới xuôi lên truyền nghề hay sao ấy. Chửi hay dữ tợn. "Đĩ già, đĩ non" gì đó em nghe suốt từ đầu phố tới cuối phố. Tới đây thì nhớ Hội an ghê gớm.

Nhưng bỏ qua những thứ rác rưởi đó, Sapa có nhiều thứ để tìm hiểu, để khám phá, để chiêm nghiệm...
ruộng bậc thang như một môn khoa học đầy sáng tạo trên nền tảng lao động cần cù của người dân tộc vùng này.
cuộc sống đơn sơ như thể miễn nhiễm khỏi mọi chuyển động xã hội hiện đại bên ngoài
các em bé sinh ra và lớn lên tự nhiên như cục đất, ngọt cỏ bên đường...
còn rất nhiều thứ mà có lẽ nên dành nhiều tuần lễ rũ bỏ cuộc sống ồn ào nơi phố xá để có thể thuyết phục chính bản thân mình rằng sống tự nhiên và đơn giản cũng là một nghệ thuật cần học hỏi say mê nghiêm túc!


Mông Ta




Một góc phố Cầu Mây


Nhà thờ cổ


Sapa nhìn từ đỉnh Hàm rồng (Cloud Yard)
Hoa trên núi Hàm rồng (cổng trời 2)

Bạn tớ



Phần 2 (Số phận của Mông Tây)

2 nhận xét:

  1. Bài viết hay wa, ảnh cũng đẹp ghê ! Nhìn mông ta thật không thể không cười dù đang ngồi một mình.Anh Chung.

    Trả lờiXóa
  2. Ở Sapa dịch vụ hướng dẫn du lịch của người Mông rất phát triển, họ nói tiếng Anh rất tốt (mặc dù tiếng Việt không tốt lắm) do đặc tính ngôn ngữ của họ "không có dấu" như tiếng Kinh. Đi kèm với đó là dịch vụ Homestay phát triển và thế là ở Sapa hiện nay có rất nhiều trẻ em "Mông tây", nghĩa là người Mông, nói tiếng Mông nhưng mắt xanh mũi lõ

    Trả lờiXóa